TS Hà Vĩnh Thọ: Mạn đàm về tái định nghĩa, vun đắp và thực hành Hạnh phúc

 

Khái niệm Tổng hạnh phúc quốc gia được khởi xướng vào đầu thập kỷ 70. Vị vua thứ ba của Bhutan vừa băng hà và con trai của ông, lúc đó mới mười bảy tuổi, lên kế vị. Lúc đó, Bhutan vẫn là một nhà nước quân chủ chuyên chế, đức vua tương lai nhận thấy mình chưa biết nên cai trị đất nước như thế nào. Ông quyết định rất thông thái rằng mình sẽ vi hành khắp đất nước và nói chuyện với người dân. Ông dành ngót nghét hai năm chỉ để lắng nghe người dân Bhutan.

Khi trở về, ông chia sẻ với những cố vấn của mình về những điều ông học được và xác định các ưu tiên mà chính phủ nên thực hiện. Ông kết luận, mọi người dù trẻ hay già, phụ nữ hay đàn ông, thị dân hay nông dân,… tuy mong muốn những thứ khác nhau nhưng điểm chung là tất cả đều mưu cầu hạnh phúc và vơi bớt khổ đau. Vì vậy, ông đã quyết định đặt Hạnh phúc và An lạc làm sứ mệnh trọng tâm của chính phủ.

Tuy đó là một lý tưởng tuyệt vời nhưng còn rất mơ hồ. Ông tự hỏi làm thế nào để thực hiện điều đó ở cấp độ quốc gia? Ông quan sát các nước láng giềng, điển hình như Nepal, Ấn Độ, nơi hiện đại hóa đã diễn ra một cách nhanh chóng và cái giá phải trả về sinh thái, xã hội, văn hóa,… để đổi lấy sự “phát triển” là rất đắt. Thế nên, ý niệm của nhà vua là: Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) quan trọng hơn Tổng sản phẩm quốc gia (GNP); Tăng trưởng, phát triển và hiện đại hóa kinh tế chỉ là phương tiện chứ không phải là đích đến. Thay vào đó, cứu cánh là cải thiện hạnh phúc và phúc lợi cho tất cả người dân Bhutan (cùng các sinh thể khác, bởi hạnh phúc không chỉ liên quan đến con người, mà còn bao gồm cả động thực vật, không khí, sông, núi, rừng,…). Từ đó, chỉ số GNH được đề xướng như một tiêu chí quan trọng cho mọi quyết định của chính phủ và nó được phân tích từ góc độ tác động đối với Hạnh phúc và An lạc của toàn xã hội. Chính sự thay đổi này đã ảnh hưởng đáng kể cách đức vua và chính phủ của ông điều hành đất nước. Ở hầu hết các quốc gia khác, mọi quyết định thường được cân nhắc và thông qua dựa trên các hệ quả/kết quả tài chính và hiếm khi cân nhắc đến tác động đối với xã hội, con người và hành tinh.

Có hai nhân tố chính ảnh hưởng đến hành trình của tôi khi thực hiện công việc giáo dục này. Điều thứ nhất liên quan đến gốc gác Việt Nam của tôi. Cha tôi là người Việt, mẹ tôi là người Pháp. Tôi thuộc thế hệ mà các bạn (ở Mỹ) gọi là Chiến tranh Việt Nam, mà chúng tôi (ở Việt Nam) lại gọi là Chiến tranh Mỹ. Đó là một sự khác biệt trong quan điểm.

Khi trở về Việt Nam vào đầu những năm 1980, tầm 5-6 năm sau khi chiến tranh kết thúc, tôi chứng kiến không biết bao nhiêu sự tàn phá đã diễn ra trên mảnh đất này, không chỉ về sinh thái, cơ sở hạ tầng mà còn cả văn hóa, xã hội. Sau một thời gian làm việc trong lĩnh vực giáo dục và giáo dục đặc biệt, chúng tôi đã thành lập Học viện Eurasia vì Hạnh phúc và An lạc (Eurasia Learning Institute for Happiness and Wellbeing) với các chương trình quy mô nhỏ, nhắm mục tiêu cho các trẻ em là nạn nhân của cuộc chiến trên nhiều cấp độ khác nhau – trẻ em bị chấn thương, tàn tật,…

Nhân tố thứ hai ảnh hưởng hành trình của tôi là kinh nghiệm công tác tại Trung tâm Tổng Hạnh phúc Quốc gia ở Bhutan trên cương vị Giám đốc Chương trình. Tôi nhận ra rằng những gì tôi đã học được không chỉ hữu ích, phù hợp ở Bhutan, mà còn ở cả các nước phát triển và đang phát triển khác.

Bạn không thể nhìn nhận Giáo dục tách biệt với phần còn lại của xã hội. Giáo dục là một tấm gương phản chiếu của xã hội nói chung. Để giải quyết các vấn đề có tính cốt lõi và hệ thống, phải bắt đầu với Giáo dục. Mục tiêu của Học viện Eurasia là thực hiện một loạt các dự án giáo dục được lấy cảm hứng từ GNH, lấy hạnh phúc và phúc lợi làm nòng cốt của hoạt động. Cụ thể ở đây đang nói đến không chỉ là hạnh phúc của con người, mà còn là hạnh phúc của tất cả các sinh thể khác.

Học viện Eurasia tập trung vào ba lĩnh vực. Một là Doanh nghiệp; chúng tôi làm việc với các doanh nghiệp sẵn sàng chuyển đổi giao thức của họ theo khuôn khổ GNH. Hai là Chính trị; chúng tôi triển khai công tác với chính quyền địa phương và thành phố (bao gồm ở cả Thụy Sĩ và Đức) để đặt GNH làm trọng tâm trong các quyết sách của họ. Và thứ ba, lĩnh vực quan trọng nhất, chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực Giáo dục thông qua hai sáng kiến chính. Đầu tiên là thông qua việc phát triển các chương trình sau đại học kéo dài một năm cho những người muốn trở thành chuyên viên GNH; thứ hai là đưa GNH vào chương trình đào tạo trong trường học.

Dự án đầu tiên của chúng tôi được thực hiện ở Bhutan cùng với Bộ Giáo dục. Đó là chương trình hợp tác giữa Học viện Eurasia và Viện Tâm trí & Cuộc sống (The Mind & Life Institute) – có trụ sở tại Hoa Kỳ, nơi tập hợp của nhiều nhà khoa học và chuyên viên chiêm niệm, đặc biệt kể đến những nhà tư tưởng Phật giáo dưới sự bảo trợ của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Chương trình mang tên “A Call to Care” (Giáo dục sự Quan tâm), tập trung vào việc đưa tư duy quan tâm chăm sóc vào hệ thống trường học. Từ đó, chúng tôi đã phát triển chương trình chính hiện tại của Học viện Eurasia, được gọi là Trường học hạnh phúc. Trước khi tôi chia sẻ với bạn nhiều hơn, hãy để tôi làm rõ định nghĩa của mình về Hạnh phúc. Bởi vì khi chúng ta nói về hạnh phúc trong khái niệm GNH, nó không chỉ đơn thuần là một tâm trạng vui bình thường. Chúng ta có thực sự tự hỏi: “Điều gì làm nên những điều kiện và môi trường thuận lợi để có một cuộc sống có ý nghĩa?”. Đó mới chính là chìa khóa cho hạnh phúc đích thực.

Chúng tôi đã tiến hành rất nhiều nghiên cứu để khẳng định rằng Hạnh phúc có sự kết nối chặt chẽ đến ba mối liên hệ chính. Mối liên hệ đầu tiên là với chính mình. Các trường học hiện nay chỉ tập trung hướng sự chú ý của các em ra bên ngoài bản thân. Học sinh thường được quan tâm rèn luyện các kỹ năng trí tuệ và các môn học như toán, ngôn ngữ, lịch sử. Tất nhiên, đây là những kỹ năng quan trọng nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu một người, đặc biệt là một đứa trẻ, không có sự kết nối với nội tâm và chiều kích cảm xúc của chúng? Chúng ta đều biết rằng phải mất nhiều năm để phát triển đầy đủ các kỹ năng trí tuệ, nhưng điều tương tự cũng đúng với các kỹ năng cảm xúc. Làm thế nào để bạn học cách ứng phó với những cảm xúc khó? Làm thế nào để bạn học cách chủ động nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực? Chính thiếu sót này trong giáo dục cảm xúc đã gây ra rất nhiều áp lực, bạo lực học đường và sự bất hạnh âm ỉ từng ngày tại các trường học. Đồng thời, một yếu tố khác phải kể đến là đào tạo giáo viên, bởi nếu giáo viên không biết cách tự chăm sóc bản thân, làm thế nào họ có thể truyền đạt điều đó cho học sinh của họ? Việc nâng cao năng lực, giúp giáo viên nhận thức được đời sống cảm xúc bên trong và phát triển các kỹ năng chú tâm giúp họ xử lý các tình huống khó khăn một cách cân bằng hơn. Chúng tôi cũng không ép buộc giáo viên của mình phải tuân theo các chương trình giảng dạy có sẵn. Thay vào đó, chúng tôi hướng dẫn giáo viên sử dụng sự quan tâm chăm sóc để có thể tự sáng tạo, linh động áp dụng phương pháp trong những môi trường có sự đa dạng về tuổi tác, bối cảnh văn hóa và xã hội.

Mối liên hệ thứ hai là quan tâm đến người khác, bởi vì một trong những yếu tố ảnh hưởng nhất đến hạnh phúc là chất lượng các mối quan hệ. Bất kể là bạn bè, gia đình, cộng đồng hay tôn giáo, không nhất thiết phải ưu tiên mối quan hệ nào, điều quan trọng là mọi người đều phải cảm thấy hòa nhập tốt và có những gắn kết mạnh mẽ, tin cậy và yêu thương với người khác. Tất nhiên, mối liên hệ này cũng không được quan tâm phát triển nhiều trong trường học. Ngược lại, trường học hiện nay thường chỉ tập trung vào thi đua, gây nên sự cạnh tranh giữa học sinh, thay vì tập trung vào việc phát triển những đức tính tốt đẹp như sự hợp tác, đoàn kết, lòng trắc ẩn, và sự đồng cảm. Quan tâm người khác đòi hỏi những phẩm chất cốt lõi của trái tim như lòng trắc ẩn, lòng biết ơn và sự tử tế.

Mối liên hệ thứ ba – đó là một sự kết nối đã trở nên rất cấp thiết trong kỉ nguyên biến đổi khí hậu và các thách thức sinh thái khác đang diễn ra mạnh mẽ: Quan tâm đến môi trường. Điều tôi đang nói đến không phải là việc tìm hiểu các sự kiện và số liệu về sinh học, hay trở nên sợ hãi, tuyệt vọng, mà đó phải là một kết nối chân thật và sâu sắc với thiên nhiên. Rõ ràng, chỉ nhận thức rằng chúng ta cần thay đổi hành vi là không đủ, bởi chúng ta đã thừa biết điều đó ngay từ đầu những năm 1970, nhưng 50 năm sau, hầu như không có gì thay đổi. Tôi tin rằng lý do một phần là bởi vì chúng ta đang thiếu một kết nối tử tế với thế giới tự nhiên – một kết nối hiện sinh với động thực vật.

Khi có sự cân bằng giữa ba sự Quan tâm này, chúng ta sẽ cảm thấy được kết nối với con người thật, với các giá trị của bản thân và thế giới xung quanh. Trường học Hạnh phúc sử dụng nhiều công cụ và chương trình khác nhau để đạt được điều này. Ví dụ, chương trình Thiết kế Thay đổi (Design for Change) của chúng tôi trao quyền cho trẻ em và thanh thiếu niên tự mình đóng góp thiết thực vào các hoạt động cộng đồng mà ở đó các em được truyền cảm hứng về ý thức chung và sự cống hiến. Điều quan trọng là không ai sinh ra đã cảm thấy cô đơn, tuyệt vọng hay bất lực. Việc giao phó cho trẻ em các dự án thiết thực như trồng cây, chăm sóc một khu vườn, thu gom rác,… đã được chứng minh là rất hữu ích trong việc mang lại cho trẻ cảm giác rằng chúng có thể tạo ra sự thay đổi.

Phương pháp sư phạm này được phát triển bởi một phụ nữ Ấn Độ tên là Kiran Bir Sethi và nó dạy cho người học nhiều kỹ năng trong cùng một lúc. Trong đó bao gồm Tư duy thiết kế, quy trình tham gia dân chủ và chiến lược để thực hiện hành động cụ thể thông qua quy trình bốn bước – 1) Cảm nhận: điều gì gây phiền toái mà chúng ta muốn thay đổi; 2) Tưởng tượng: giải pháp để giải quyết vấn đề; 3) Thực hiện: tìm cách thực tế để tiến hành ý tưởng; 4) Chia sẻ: giao tiếp để nhân rộng tác động.

Đầu tiên, những đứa trẻ xác định điều phiền toái chúng muốn thay đổi, sau đó sẽ lên ý tưởng các giải pháp khác nhau và cùng thống nhất một cách để thực hiện giải pháp đó trên tập thể. Ví dụ điển hình, một nhóm trẻ em tại một trường học ở Bhutan đã quyết định không mang thức ăn đóng gói vào bữa trưa vì các em nhận ra rằng chất thải được tạo ra đang làm hại đến môi trường. Nhóm trẻ em này quyết định ngừng mang thực phẩm đóng gói đến trường, ngoại trừ một ngày trong tuần nhằm tạo ra sự cân bằng, bởi việc việc một ai đó thỉnh thoảng thèm ăn khoai tây chiên hay bim bim gói là điều rất tự nhiên. Vào những ngày còn lại, nhóm trẻ mang theo những thức ăn mà em đã chuẩn bị ở nhà vào các hộp chứa có thể tái sử dụng. Ngày mà các em được phép mang thực phẩm đóng gói là thứ Tư, sau đó các em thu thập bao bì còn sót lại và sử dụng chúng để làm thành nhiều sản phẩm thủ công. Ví dụ, các em đã cắt các mảnh bao bì để nhồi thành ruột của những tấm đệm.

Sáng kiến này bắt đầu tại một lớp học và sau đó được nhân rộng toàn trường. Dự án đã thành công đến nỗi họ bắt đầu chia sẻ nó đến với các trường khác. Cuối cùng, lớp học nơi nảy sinh ý tưởng này đã được lên trên truyền hình quốc gia với tư cách là khách mời trong chương trình đặc biệt với Bộ Giáo dục. Hàng trăm trường học trên khắp đất nước đã đồng loạt thông qua dự án này. Những đứa trẻ tham gia chỉ tầm 9 hoặc 10 tuổi. Người ta có thể nghĩ, “Một đứa trẻ 10 tuổi biết làm gì để bảo vệ môi trường?” Nhưng mục đích của chương trình Thiết kế Thay đổi là để chứng minh rằng ngay cả trẻ em, đối tượng không có năng lực quyết định trực tiếp như người trưởng thành, vẫn có thể đưa ra những ý tưởng tuyệt vời.

Suốt 45 năm làm việc trong ngành đào tạo, đó là một trong những khoảnh khắc của Trường học Hạnh phúc khiến tôi xúc động nhất. Bằng Tiến sĩ của tôi là trong lĩnh vực giáo dục. Tôi đã làm việc trong lĩnh vực này cả đời, dưới nhiều môi trường khác nhau. Tôi luôn quan tâm đến các mô hình giáo dục thay thế, chẳng hạn như Waldorf, Steiner, Montessori và Trường Xanh (Green Schools). Những dự án thí điểm quy mô nhỏ này rất quan trọng vì bạn thực sự có thể thử những điều mới. Tuy nhiên, thực tế là phần lớn trẻ em vẫn còn nằm trong hệ thống công. Một số phụ huynh, thường là tầng lớp trung lưu và thượng lưu, có thể đăng ký cho con cái họ vào các trường tư thục hoặc đầu tư nhiều nguồn lực hơn cho giáo dục của con. Tất nhiên là tôi vui vì điều đó, nhưng nó không giải quyết được vấn đề của phần lớn các trẻ em tại trường công, có cha mẹ thiếu quan tâm đến vấn đề giáo dục tại trường công và lại không có khả năng tài chính.

Trường học Hạnh phúc là một dự án có thể được thực hiện ở bất kỳ trường công lập nào. Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một chương trình dễ hiểu và áp dụng được ở bất cứ đâu, không chỉ trong môi trường tinh hoa hay tư nhân. Ở Bhutan, điều này tương đối dễ dàng vì GNH đã là triết lý dẫn đầu và Bộ Giáo dục rất ủng hộ. Nhưng khi chúng tôi bắt đầu làm việc ở Việt Nam, mọi chuyện đã khác, bởi vì Việt Nam vẫn là một quốc gia theo chủ nghĩa xã hội. Hệ thống giáo dục rất tập trung và mọi người phải tuân theo cùng một khung chương trình giảng dạy quốc gia. Lúc đầu, chúng tôi hoàn toàn không chắc chắn làm thế nào để có thể thực hiện dự án này.

Bây giờ, chúng tôi có tới 100 giáo viên thường trực trong mỗi buổi đào tạo Trường học Hạnh phúc. Trong vài năm qua, thật xúc động khi chứng kiến tác động của dự án đối với giáo viên, học sinh và gia đình của các em. Nhiều người cũng đã chia sẻ về việc Trường học Hạnh phúc đã thay đổi cuộc sống của họ như thế nào. Gần đây, chúng tôi đã tổ chức phỏng vấn nhóm tập trung với sự tham gia của 50 học sinh cũ của hai giáo viên trong nhóm triển khai dự án đầu tiên ở Thụy Sĩ. Có một sự đồng thuận tuyệt đối giữa các học sinh rằng những bài tập nhỏ đã tạo ra sự khác biệt đáng kể trong trải nghiệm học tập của họ. Ví dụ, giáo viên đã thêm cái được gọi là “khoảnh khắc lớp học chất lượng” ngay trước khi tiết học bắt đầu, trong đó mỗi học sinh chỉ đơn giản là bày tỏ bất cứ điều gì họ cảm thấy ngày hôm đó. Mặc dù các giáo viên đã không thực hiện bất kỳ thay đổi lớn nào đối với chương trình giảng dạy, những chính việc hỏi thăm này đã xúc tác cho những chuyển biến to lớn trong bầu không khí học tập giữa các em trong lớp.

Ở Mỹ, có một phong trào song song liên quan đến việc giáo dục kĩ năng cảm xúc-xã hội được gọi là CASEL. Thực sự có khá nhiều chương trình giáo dục sự chú tâm khắp nơi, nhưng thách thức to lớn là việc tìm ra những người tạo ra mạng lưới và giáo viên đủ can đảm để thử một phương pháp mới. Bạn có thể bắt đầu từ những thứ rất nhỏ. Tất cả những gì bạn cần làm là tìm một hoặc hai hoặc ba nhà giáo dục tin rằng sự chú tâm có thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của chính họ và của cả học sinh. Tôi nghĩ rằng vấn đề này ngày càng cấp bách, đặc biệt khi quan sát mức độ chia rẽ xã hội sâu sắc đang xảy ra ngay tại nước Mỹ.

Một trong những kỹ năng cốt lõi của Trường học Hạnh phúc là lắng nghe. Khi mọi người không thể đối thoại với nhau, đó là lúc bạo lực nảy sinh. Bạo lực không dấy lên bằng một cuộc so-găng, nó khởi lên bởi một tâm trí khép kín. Nếu trẻ em chỉ đơn giản học cách lắng nghe và lắng nghe sâu sắc, điều đó có thể thay đổi nền văn hóa một cách toàn diện.

Tiến sĩ Hà Vĩnh Thọ là người sáng lập Học viện Eurasia vì Hạnh phúc và An lạc, nguyên Giám đốc Trung tâm Tổng Hạnh phúc Quốc gia ở Bhutan và cựu Giám đốc Đào tạo và Phát triển tại Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế.

 
Happy Schools ELI